Khúc bi tráng Tây Nguyên N'Trang Lơng

Mối thù nhà của tù trưởng Lơng được trả. Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng phát triển, một loạt đồn của Pháp ở huyện Kracheh tỉnh Kratié Campuchia bị tấn công và triệt hạ. Quân khởi nghĩa dần kiểm soát lại được một địa bàn rộng hàng ngàn km2.

Tuy nhiên, người Pháp không vì cái chết của Henri Maitre mà chùng tay. Họ liên tục phái binh lính để đàn áp. Dù vậy, với ưu thế thông thuộc địa hình của các nghĩa quân, cộng với điều kiện tiếp vận khó khăn của quân Pháp, cuộc khởi nghĩa vẫn chống đỡ được thêm 10 năm kể từ sau cái chết của Henri Maitre.

Người Pháp đành phải đổi chiến thuật. Một mặt họ liên tục mua chuộc và chia rẽ giữa các bộ tộc, mặt khác họ tập trung một binh lực lớn hơn với hậu cần đầy đủ để tấn công tiêu diệt.

Giữa tháng 5 năm 1935, quân Pháp tập trung lực lượng lớn, từ ba hướng Thủ Dầu Một đánh lên, từ Campuchia đánh sang, từ Đắk Lắk đánh xuống, tập trung tiến công đại bản doanh của nghĩa quân. Liên tục bị vây hãm, một số tù trưởng đầu hàng, một số khác tử trận hoặc bị bắt như R'Dinh, R'Ong. Lương thực, vũ khí, quân số của nghĩa quân tại vùng căn cứ Nâm Nung thiếu thốn nghiêm trọng. Quân Pháp lập thêm nhiều đồn bốt, như đồn Hăngrimét, đồn Boukok và nhiều căn cứ vệ tinh bao vây vùng căn cứ Nâm Nung, tiếp tục siết chặt vòng vây đối với nghĩa quân. Tháng 5 năm 1935, quân Pháp đã tập kích vào căn cứ. Tù trưởng Lơng bị trọng thương và tử thương đêm 23 tháng 5 năm 1935. Một số tài liệu ghi cuộc tập kích của quân Pháp vào tháng 6 năm 1935, do sự phản bội của một quân sĩ tên là Bă Phnông Phê. Tù trưởng Lơng bị trọng thương, bị bắt và bị xử tử ngày 25 tháng 6 năm 1935.

Tên của ông được đặt cho một con đường khá lớn tại quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, kéo dài từ Bệnh viện Nhân Dân Gia Định cho đến Cầu Bình Lợi.